Từ nguyên Thái tử

Nguyên chữ 「Thái; 太」 trong danh hiệu mang nghĩa là "người con lớn nhất". Vào thời Tiên Tần, Trữ quân của nhà Chu hay các chư hầu lớn như nước Sở cũng đều xưng là Thái tử, biểu thị khác với các Vương tử khác và là người sẽ thừa kế trong tương lai.

Khi nhà Hán thành lập, Trữ quân thừa kế Hoàng đế sẽ là [Hoàng thái tử], còn Trữ quân của các Chư hầu mang tước Vương được gọi là [Vương thái tử][1][2][3], còn những người thừa kế của các Chư hầu mang tước Công trở xuống được gọi là Thế tử. Điều này kéo dài ít nhất đến tận Đông Hán[4]. Tuy nhiên, do như vậy sẽ bị nhầm lẫn với Hoàng thái tử, vào thời điểm nhà Tào Ngụy phong tước "Tấn vương" cho họ Tư Mã, liền sửa người thừa kế từ "Thái tử" thành Thế tử, tức [Vương thế tử]. Từ đó về sau, các Trữ quân của Chư hầu mang tước Vương trở xuống thường được gọi là "Thế tử", mà "Thái tử" trở thành một tước hiệu riêng biệt để chỉ Trữ quân của tước hiệu Hoàng đế.

Về ý nghĩa, chữ ["Thái tử"] ý là "Con trai của Quân chủ và sẽ kế vị", do đó quan hệ giữa Thái tử và Quân chủ đang tại vị đều là quan hệ cha con. Nếu người kế vị là cháu hoặc anh / em trai của quân chủ, tước hiệu này thường phải đổi để tương ứng bối phận, ví dụ như Hoàng thái đệ (皇太弟) nếu người thừa kế là em trai, hoặc Hoàng thái tôn (皇太孙) nếu người thừa kế là cháu trai.

Những trường hợp thay đổi liên quan đến tước hiệu "Thái tử" rất phức tạp, thông thường đều phải cụ thể và quy định rõ ràng. Ngoài ra, những thay đổi này cũng không hoàn toàn theo quy tắc cố định nào, ví dụ như hiện tại, Hoàng gia Nhật Bản công bố Thu Tiểu cung Văn Nhân Thân vương là "Trữ quân" chính thức cho anh trai mình là Thiên hoàng Naruhito, ông không được gọi là ["Hoàng thái đệ"] theo cách hiểu thông thường, mà được gọi với tôn xưng là 「Hoàng tự điện hạ; 皇嗣殿下; こうしでんかKoshidenka」, trong đó ["Tự"] có nghĩa là thừa kế, kế nhiệm.